Comptes rendus de lecture

Comptes rendus de lecture




Pierre Brocheux & Daniel Hémery
Indochine la colonisation ambiguë (1858-1954), Paris, La Découverte, 1994, 427 p.

RFI, section vietnamienne, 2 juin 1996



Nền thuộc địa Đông Dương và sự nhập nhằng của sử học


40 năm sau Hiệp định Genève, một cuốn sách được ra mắt với độc giả Pháp để làm sáng tỏ một phần nào những động lực đã thúc đẩy Pháp đi chiếm thuộc địa Đông Dương, và phân tích những nhược điểm nội bộ ở các nước bị xóa tên trên hoàn cầu. Đây là một công trình sử học mới của hai tác giả, Pierre Brocheux và Daniel Hémery, mang tựa đề Indochine, la colonisation ambiguë : 1858-1954.

Giới sử học và những ai chú trọng đến Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đều biết đến Pierre Brocheux và Daniel Hémery. Hai nhà sử học này khi viết cuốn sách có ước vọng "vượt ra khỏi những ký ức", để làm sáng tỏ tình hình nhập nhằng của nền thuộc địa từ ngày Pháp bắt đầu nổ súng vào cảng Sài gòn năm 1858 cho đến khi họ phải rút lui khỏi Đông Dương sau Hiệp định Genève 1954. Tựa đề Indochine, la colonisation ambiguë mà ta có thể tạm dịch là "Đông Dương, cái thuộc địa nhập nhằng", đã tóm tắt lại toàn vẹn đề cương của cuốn sách.

Sách được cấu tạo bằng phương pháp tiến trình toàn diện, đề cập đến cả ba nước Đông Dương qua những lãnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội và dựa vào một nguồn tư liệu phong phú. Trong chương đầu, Daniel Hémery tô bầy ra những yếu tố và những khối lực đã thúc đẩy nền Đệ nhị đế chế Pháp đi chiếm các thuộc địa ở Á Châu. Yếu tố chính là sự bành trướng của đế quốc Pháp trong bối cảnh tranh giành ảnh hưởng và thế lực giữa các cường quốc ở giữa thế kỷ 19 như Anh, Đức và Hà Lan. Theo tác giả này, đây là vấn đề sống còn của Pháp, tức là nếu Pháp không bành trướng thế lực thì sẽ bị các cường quốc khác loại bỏ. Yếu tố thứ hai liên quan đến vấn đề truyền đạo. Để gây lại uy tín, vì ảnh hưởng của thiên chúa giáo bị sa sút tại Pháp sau các cuộc cách mạng ở thế kỷ 19, các cố đạo và thế lực của họ đã vận dụng và lợi dụng sự đàn áp tín đồ và các cố đạo dưới thời Minh Mạng-Tự Đức, để lấy cớ thúc đẩy chính quyền Pháp phải can thiệp bằng bạo lực vào Việt Nam, và để sau đó được "tự do truyền đạo". Ngoài ra yếu tố kinh tế cũng đáng chú trọng. Động cơ của nền thuộc địa là công nghiệp dệt và ngành kim luyện. Vào giai đoạn đó, tư bản Pháp đã đạt đến mức phát triển cao. Để kiếm lối thoát cho sự ứ đọng về mặt tiêu thụ, họ cần đến những thị trường mới, trong đó Trung Hoa được coi là mục tiêu.
Tiếp theo đó, Daniel Hémery phân tích các nhược điểm của triều Nguyễn và nhận định rằng sự chia rẽ nội bộ, sự khước từ đòi hỏi khẩn của người Pháp muốn vào lãnh thổ Việt Nam để buôn bán, tình trạng lệ thuộc giữa bá chủ Trung Hoa và các nước chư hầu láng giềng, đã tạo ra một thời điểm thuận lợi cho nền thuộc địa. Tóm lại, Đông Dương đã trở qua tay người Pháp là vì Trung Hoa đã phải bỏ vai trò bá chủ trong khu vực. Hay nói một cách khác thì đây là sự gặp gỡ của ba yếu tố: vai trò của Trung Hoa, sự căng thẳng nội bộ ở các nước trong thời gian bị chiếm và đế quốc Pháp. Dĩ nhiên là sự chiếm đoạt Đông Dương không được dễ dàng nên sau nửa thế kỷ người Pháp mới "bình định" được toàn khu vực. Vì đối diện với họ là các nho sỹ trung thành với nhà Nguyễn như phong trào Cần Vương ở cuối thế kỷ trước, hay những cuộc nổi dậy của các dân dộc thiểu số ở Boloven bên Lào, hoặc sự kháng cự ở Cao Mên do hoàng thân Si Votha lãnh đạo. Nguyên nhân của những cuộc thất bại được phân tích :
- 1. sự chênh lệch về mặt quân sự thì đã rõ ràng ;
- 2. ngoài óc bảo thủ như khẩu hiệu "bình tây sát tà", các phong trào đó không có dự thảo về mặt cải tạo xã hội để đối đáp lại ý đồ của người Pháp. Riêng về Việt Nam, Daniel Hémery nhấn mạnh rằng chế độ thuộc địa được thành hình không phải chỉ do sự chiếm đọat mà còn do những tiến trình nội bộ mà một số người Việt đã hưởng ứng. Nói một cách khác thì một số quan lại và thân hào Việt Nam đã cõng rắn cắn gà nhà.

Qua chương thứ hai, cuốn sách này phô bầy lại bộ máy thống trị do người Pháp lập ra và sự phân chia Đông Dương thành nhiều quy chế khác nhau theo chính sách chia để trị. Trong giai đoạn này chính quyền thuộc địa còn phải tìm ra một mô hình mới để cai trị, cho nên phải đợi đến khi toàn quyền Doumer nhận chức năm 1897 thì Đông Dương mới thực sự có một chính phủ thuộc địa xuyên qua bộ máy hành chánh. Một thí dụ điển hình của bộ máy thống trị là Sở Mật Thám do toàn quyền Albert Sarraut sáng lập năm 1917 để đối phó với hệ ý thức quốc gia. Điều đáng nêu ý nơi đây là người chỉ huy Sở Mật Thắm đồng thời cũng là chánh Văn phònh chính trị, một điều hiếm có trong guồng máy chính phủ. Kể từ đó chính quyền thuộc địa được tự do khai thác tài sản, khai hoang để làm đồn điền, đáp ứng cho phát triển kinh tế, chủ yếu là xuất khẩu gạo. Từ 1870 đến 1928 trọng lượng gạo xuất khẩu đã tăng lên gấp bốn, đạt tới 1.797.000 tấn. Sau khi vấn về tiền tệ được thống nhất và chính thức hóa, Ngân hàng Đông Dương được độc quyền phát hành tờ bạc Đông Dương trị giá là 10 quan. Nguồn lợi tức đáng kể khác là của ba mặt hàng : muối, rượu và thuốc phiện. Sau khi trưng dụng đất đai thì chính quyền thuộc địa áp dụng hai biện pháp :
- 1. bán đấu giá ;
- 2. nhượng địa cho người thuộc địa với điều kiện là họ phải khai khẩn.

Nêu hai thí dụ : năm 1931 hơn 1 triệu ha đất trồng trọt thuộc về quyền sở hữu của thuộc địa ; năm 1938 bốn nhóm tài chánh lớn kiểm soát 70 % diện tích đồn điền cao su.
Còn về lãnh vực văn hóa xã hội, những biến chuyển, mối quan hệ giữa người thuộc địa và người bản sứ thì do Pierre Brocheux đảm nhiệm. Ở đây, tác giả này phác họa lại sự phát triển của các đô thị như Sài Gòn, Hải Phòng và Hà Nội, sự phân chia xã hội, mối bất bình giữa chính quyền thuộc địa và một số người thuộc địa, những bất công, những nhục nhã mà các dân tộc bị thống trị phải hứng chịu. Sự tiếp xúc giữa hai nền văn hóa đã biến đổi bộ mặt xã hội và tạo ra ở trong Nam một giai cấp tư sản mới, chủ yếu là các địa chủ như Gilbert Chiểu. Cũng về lãnh vực văn hóa, ở đây tác giả họa lại những gì người Pháp đã thực hiện như chính sách đồng hóa, cải tạo chương trình giáo giục và xóa bỏ hệ thống thi cử cũ, những công cụ thông tin và tuyên truyền như báo chí, đài phát thanh và điện ảnh. Chính quyền thuộc điạ thành lập trường Quốc Học Huế với nhiệm vụ đào tạo giới quan lại mới để thay thế các nhà nho. Trường Đại học Đông Dương được thành lập năm 1907 với mục đích là kềm chế tinh thần quốc gia nhưng qua năm sau phải đóng cửa và cho tới năm 1917 mới mở cửa lại. Đồng thời các trường tiểu học được thành lập ở các huyện và một vài trường trung học ở các đô thị lớn như Hà Nội và Sài Gòn. Cũng trong năm 1917, chính quyền Pháp cho ra mắt tạp chí Nam Phong và để Phạm Quỳnh làm chủ bút. Họ đã đưa nhân vật Phạm Quỳnh ra làm biểu tượng cho thế hệ trí thức mới để che dấu với quần chúng vai trò chủ động của họ.

Phần thứ hai là sự phản công của xã hội Việt Nam. Thế hệ trẻ được đào tạo trong hệ thống giáo dục mới, cũng như một số nhà nho đã không chiụ bó tay mà còn nắm lấy cơ hội để hiện đại hóa xã hội. Đáng kể là phong trào Đông Kinh Nghiã Thục xuất hiện năm 1907, đã huy động đồng bào học chữ quốc ngữ. Nhưng phải đợi đến thập kỷ 20 và 30 thì mới thành hình một lớp trí thức mới với ý nguyện cải tạo xã hội về mặt tư tưởng và văn hóa. Trong hai thập kỷ này hàng loạt các báo chí do chính người Việt chủ động đã ra đời và phổ biến những kiến thức mới về khoa học, kỹ thuật, văn hóa, chính trị và tư tưởng. Chẳng hạn tờ Phụ Nữ Tân Văn đã đi xung phong cho phong trào giải phóng phụ nữ khỏi những kềm chế gia đình và truyền thống lạc hậu. Năm 1926, Nguyễn An Ninh có nhận định rằng "Để chống lại một tổ chức đàn áp kiểu mới thì phải có một tổ chức kháng chiến mới". Con đường đó đưa một số người tới tư tưởng quốc gia còn những người khác thì gia nhập vào chủ nghĩa cộng sản. Những cuộc bãi khóa, đình công, những sự kiện như Yên Bái, sô viết Nghệ Tĩnh, sự thành hình của các tổ chức đối lập công khai hay bí mật đã làm thay đổi thế cờ ở thuộc địa. Mặc dầu các phong trào đấu tranh phải trả gía rất đắt bằng tù tội hay sinh mạng, chính quyền thuộc địa không còn làm chủ tình hình mà phải chuyển qua thế thủ. Và từ đó, tình hình thế giới, sự liên kết giữa các tổ chức cộng sản thế giới và nhất là đệ nhị thế chiến là những cơ hội để những người mang mộng giải phóng đất nước, lấy lại được niềm tin và quyết liệt đối đầu với nền thống trị Pháp. Điện Biên Phủ đã kết thúc và giải tán nền đô hộ đó. Không cần dài giòng nữa, đây là một công trình sử học mà hai tác giả muốn đóng góp để thúc đẩy xã hội Pháp nhìn lại quá khứ.

Qua phần giới thiệu sách, có thể nhiều thính giả sẽ tự hỏi là chúng ta phải hiểu nghĩa chữ "ambiguë" (nhập nhằng) như thế nào ?
Cái ý niệm "ambiguë" là trọng tâm, là điều quan trọng nhất của công trình này. Vì tất cả được nối khớp vào nhau qua cái ý niệm đó. Ta tạm dùng từ "nhập nhằng" để dịch cái ý niệm này. Theo hai nhà sử học này thì sự nhập nhằng trong nền thuộc địa nó đa dạng và nếu nhận xét tổng quát thì đây là một nền thuộc địa nhập nhằng. Chẳng hạn như một mặt thì đàn áp nhưng mặt khác lại xây dựng, thậm chí còn truyền đạt những tư tưởng hiện đại. Nhập nhằng trong nội bộ Pháp, có nhiều người ủng hộ và tuyên truyền cho nền thuộc địa và một số người khác, mặc dầu hiếm hơn lại chống lại tư tưởng của thuộc địa và thậm chí nghiêng về phía những dân tộc bị thống trị. Nhập nhằng ở điểm có những người bị thống trị lại tiếp tay cho nền thống trị. Nhập nhằng nữa là chính kẻ bị thống trị lại tận dụng những công cụ, vũ khí của đối phương (về mặt tư tưởng cũng như về mặt đấu tranh) để đối phó lại đối phương, v. v. Nhưng ta phải nhìn nhận là quyền lực của thống trị cũng như mọi quyền lực khác đều có lô gíc riêng của nó, và cái lô gíc đó có bao giờ nhập nhằng đâu. Trường học hay nhà tù đều nằm gọn trong cái lô gíc đó cả. Vì không một quyền lực nào, hay một chế độ nào có thể tồn tại lâu dài nếu chỉ dựa vào trấn áp và bạo lực. Muốn được tồn tại lâu dài hơn thì nó cũng phải dựa vào sự ưng thuận của những người đặt dưới quyền cai trị. Sự ưng thuận này có nhập nhằng hay không, đó là một vấn đề khác. Chứ quyền lực của nền thuộc địa có vượt ra khỏi cái lý luận này đâu. Bởi thế nên bên cạnh nhà tù lại có thêm những trường học.

Hai tác giả này còn có ước vọng vượt ra khỏi ký ức để tìm hiểu sự thành hình của nền thuộc điạ, thế thì kết quả có gì đáng chú ý ? Có thể nói là vì hai tác giả đó muốn vượt ra khỏi ký ức, nên đã tránh dùng từ "colonialisme", tức là chủ nghiã thực dân. Cũng vì lý do đó nên về mặt tư tưởng, gianh giới giữa chủ nghiã thực dân và nền thuộc địa, có hay không, không được hai nhà sử học này đề cập đến. Nhưng ta có thể tự hỏi là chủ nghiã thực dân và nền thuộc địa có thể tách rời ra nhau được không ? Nếu có thì chủ nghĩa thực dân có nhập nhằng hay không ? Như chúng ta biết thì không thể nào tách rời sử học ra khỏi người viết sử, nếu sử học nhập nhằng thì chắc những nhà sử học cũng nhập nhằng.
Ngoài sự thúc giục của những cố đạo, sức ép của giới kinh doanh, thái độ của môt số trí thức, và những cuộc tranh luận hạn hẹp tại quốc hội trong thời kỳ đầu, cuốn sách này không cho ta biết rõ về dư luận quần chúng ở Pháp trong quá trình thành hình của nền thuộc địa. Chỉ trong phần kết, Pierre Brocheux nhắc tới dư luận Pháp trong giai đoạn 1945-1954, đặc biệt là những đảng viên Đảng Cộng Sản Pháp chống chiến tranh, mà không nhắc qua cho biết là năm 1947 các bộ trưởng của ĐCSP cũng như các bộ trưởng khác đã bỏ phiếu thuận cho quỹ chiến tranh, trong khi đó các dân biểu của ĐCSP lại bỏ phiếu chống. Đây là điều nhập nhằng rõ rệt, mà cuốn sách không nhắc tới.

Để kết luận bài giới thiệu cuốn sách của Pierre Brocheux và Daniel Hémery chắc chúng ta có thể hướng về sử học Việt Nam ... Đây là một công trình đáng để giới sử học Việt Nam suy nghĩ. Suy nghĩ để tìm hiểu quá khứ vì quá khứ sẽ giải thích được một phần nào cho hiện tại và tương lai. Xưa và nay bao giờ cũng có liên hệ mật thiết. Nói như thế là đã đi vào đường lối của Hội sử học ở Việt Nam. Và cũng hy vọng rằng Hội sử học Việt Nam sẽ cho ra mắt độc giả những công trình tương đương để chúng ta cùng tham luận và cùng suy nghĩ.

Sommaire de la rubrique
Haut de page