Comptes rendus de lecture

Comptes rendus de lecture




Nguyễn Hải Âu
Những ngày cuối cùng của vua Hàm Nghi
TP-HCM, NXB Quân đội nhân dân, 1996.

RFI, section vietnamienne, 12 décembe 1997



Vua Hàm nghi

Vua Hàm Nghi là vị vua đầu tiên của triều Nguyễn bị chính quyền thuộc địa Pháp đưa đi đày, tiếp theo đó là vua Thành Thái rồi tới vua Duy Tân. Vua Hàm Nghi cũng còn là vị vua trẻ trong các vị vua trẻ nhất của triều Nguyễn trước sự bành trướng của nền thuộc địa Pháp ở thế kỷ thứ 19.

Những ngày cuối cùng của vua Hàm Nghi là tựa đề cuốn truyện ký lịch sử của cụ Nguyễn Hải Âu vừa được nhà xuất bản Quân Đội Nhân Nhân cho ra mắt độc giả Việt Nam năm nay. Tuy đã được tiểu thuyết hóa phần nào, nhưng theo lời giới thiệu của nhà xuất bản thì đây là ký ức của cụ Hải Âu. Bối cảnh lịch sử đã đưa đẩy tác giả người làng Quảng Nguyên ở Hà Tây, qua bên Syrie năm 1938 vì bị động viên trong thời kỳ đệ nhị thế chiến, rồi từ đó qua Pháp rồi qua Angiêri năm 1942. Và tại đây tác giả đã gần gũi vị vua Việt Nam bị đưa đi đày từ năm 1889 là vua Hàm Nghi. Tác giả còn là người tổ chức mai táng cho vua Hàm Nghi theo nghi lễ của người Việt. Năm 1947 thiếu uý Hải Âu bị đưa về Sài Gòn. Ông theo kháng chiến và bị bắt giam ở Khám lớn trước khi trốn vào Khu 3. Cụ Hải Âu đã về hưu từ năm 1976 nhưng vẫn đóng góp cho văn chương nước nhà bằng những vở kịch thơ như Trương Chi, Từ đất làng Sen, v.v.

Trong truyện ký này, hầu hết các nhân vật đều là những nhân vật có thật trong lịch sử và tác giả cũng tôn trọng niên biên của lịch sử trong giai đoạn thăng trầm này. Trong những chương đầu thì cụ Hải Âu dựng lại bối cảnh và các sự kiện lịch sử của triều Nguyễn, kể từ ngày vua Tự Đức băng hà năm 1883. Từ đó trở đi, triều đình không còn đủ quyền hành để đương đầu với người Pháp đang bành trướng và xâm lăng lãnh thổ Việt Nam. Sau Tự Đức thì vai trò của các vị vua đều là hình thức thôi chứ mọi quyền hành trong triều đình đã về tay của ba vị đại thần là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và Trần Tiến Thành trước khi bị người Pháp hoàn toàn chiếm đoạt. Vua Dục Đức lên ngôi đưọc ba ngày thì bị hạ bệ, vua Hiệp Hoà ngồi trên ngai vàng được 6 tháng thì bị ép uống thuốc độc, vua Kiến Phúc sau 8 tháng lên ngôi cũng bị độc rồi chết lúc mới 15 tuổi, và kế đến là vua Hàm Nghi được triều đình đưa lên kế vị lúc mới 13 tuổi.

Vua Hàm Nghi sinh năm 1871 và mất năm 1944 tại Angiêri. Trong thời gian bị lưu đày, ông Hoàng này đã kết hôn cùng cô Lalauer người Pháp, con viên chánh án một thành Phố cách thủ đô Alger 12 cây số, và sinh hạ ra công chúa Như Mai và Như Lý, và sau cùng là Hoàng tử Minh Đức. Công chúa Như Mai đã đỗ thủ khoa kỹ sư nông nghiệp tại Paris năm 1927 và sau này quyết không lấy chồng và sống ở thành phố Cannes, miền nam nước Pháp. Còn công chúa Như Lý thì sánh hôn cùng một đại tá không quân dòng dõi hoàng tộc Bỉ. Trong đệ nhị thế chiến, hoàng tử Minh Đức là sĩ quan trong quân đội Pháp và chiến đấu ở Tunisie.

Ngược dòng thời gian, thì sau khi lên ngôi năm 1884, vua Hàm Nghi còn quá trẻ, mới 13 tuổi, đã được thượng thư bộ Binh kiêm Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết che chở. Vì Vua Hàm Nghi lên ngôi mà Nam triều không chịu báo cho Khâm sứ Trung kỳ nên chính quyền Pháp không thừa nhận vị vua này. Đó vừa là cái cớ vừa là sự phô bầy ưu thế của người Pháp càng ngày càng lấn át và tước đoạt quyền hành về tay họ. Trong triều đình thì Tôn Thất Thuyết cầm đầu phe quyết chiến không chịu khuất phục người Pháp. Trong thời gian chuẩn bị tuyên chiến, Tôn Thất Thuyết đã cho lập một vị trí chiến lược ở Tân Sở gần Quảng Trị để phòng trú ẩn. Tân Sở có thành luỹ khá kiên cố, bên trong có lương thực và vũ khí. Sau khi Tôn Thất Thuyết cùng vua Hàm Nghi và đội nghĩa quân rời bỏ kinh đô về Tân Sở để chuẩn bị tấn công thì chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi được phát đi vào ngày 13 tháng 7 tây năm 1885, kêu gọi đồng bào ra giữ nước. Nếu người ta so sánh chiếu Cần Vương với lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 20 tháng 12 năm 1946 thì cũng có điểm tương đồng. Chẳng hạn trong chiếu Cần Vương có đoạn (xin trích) : "Người trị hiến mưu, người dũng hiến sức, kẻ giầu bỏ của ra giúp quân nhu, đồng bào đồng trạch chẳng từ hiểm nguy có thể làm được gì thì làm nấy." (Hết lời dẫn) Và từ đó phong trào Cần Vương nổi dậy khắp miền Trung và Bắc từ Hà Tĩnh đến Nghệ An, từ Quảng Trị đến Bình Định, rồi Sơn Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang. Trong giai đoạn này Hoàng Hoa Thám nổi danh là con hùm Yên Thế, chiến luỹ Ba Đình trước khi bị thất thủ, đã làm tổn thương và nản lòng quân đội thuộc địa.

Vì thế yếu và thiếu chiến thuật nên Tôn Thất Thuyết chống cự không nổi đội quân thuộc điạ nên phải qua Trung Quốc năm 1886 để cầu viện với nhà Thanh. Tôn Thất Thuyết cầu viện không được lại còn bị giữ ở lại Long Châu vì Trung Quốc đã nhường lại vai trò bá chủ cho người Pháp. Sau khi Vua Hàm Nghi rời bỏ ngai vàng để đi theo Tôn Thất Thuyết thì triều đình, dưới sự kiểm soát của người Pháp, đã đưa Ưng Xụy là con nuôi thứ hai của Tự Đức lên ngôi, tức là vua Đồng Khánh.

Sau hai năm trú ẩn thì vua Hàm Nghi bị bắt đầu năm 1888. Sự kiện này làm rung chuyển phong trào Cần Vương. Qua năm sau, 1889 thì vua Hàm Nghi bị đưa đi đày ở Angiêri. Tại đây nhà vua sống trong biệt thự Gia Long trên ngọn đồi El Biar có người hầu hạ và săn sóc. Trong số những người đó có cả một thiếu nữ Pháp tên là Blanche tình nguyện săn sóc vị vua Việt Nam vì cô ta kính trọng tinh thần yêu nước của Hàm Nghi. Tuy sống xa kinh thành, vua Hàm Nghi vẫn giữ tác phong của người Việt Nam thể hiện qua búi tó củ hành và bộ y phục.

Tuy nặng tính chất lịch sử, truyện của cụ Hải Âu cũng được thơ mộng hóa qua cuộc tình duyên dang dở giữa cô Xuân và Tôn Thất Thiệp, con trai út của Tôn Thất Thuyết. Trước đó, cô Xuân được anh thiếu úy Pháp tên là Robert cứu khỏi nạn và từ đó hai người cũng mang lòng thương mến nhau. Robert là người tử tế, tôn trọng người bản sứ, muốn tìm hiểu cuộc sống của dân chúng nên bất đồng ý kiến với chính quyền Pháp về hành động cư xử của họ với người Việt Nam, bởi thế anh đã báo cho cô Xuân biết là chính quyền Pháp lập kế bắt Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường bằng cách mời họ tới dự một buổi tiệc. Cô Xuân báo lại cho Tôn Thất Thiệp, và vì thế mưu kế của người Pháp đã bị thất bại. Sau này khi cô Xuân đi theo nghĩa quân thì có dịp đền ơn lại Robert khi anh ta bị nghĩa quân bắt. Cô Xuân là gái Bình Định giỏi võ và cũng là con của cụ cử Tấn đã bỏ mình cùng Nguyễn Tri Phương trong thời gian Pháp chiếm thành Hà Nội năm 1873.

Dĩ nhiên đây không phải là cuốn sử về vua Hàm Nghi, xong tựa đề Những ngày cuối cùng của vua Hàm Nghi của truyện ký này làm người đọc chờ đón những sự kiện hoặc những tình tiết về giai đoạn cuối của vua Hàm Nghi. Về điểm này thì có thể nói là người đọc đã bị thất vọng. Những chương đầu, chiếm gần nửa cuốn sách, chỉ gợi lại bối cảnh triều Nguyễn trước khi vua Hàm Nghi lên ngôi. Chỉ mấy chương cuối thì tác giả mới thực sự vô đề, và mấy chương này nói về những người thân cận với vị vua này nhiều hơn là nói đến vua Hàm Nghi. Nói một cách khác thì số trang dành cho đề tài này quá ít so với toàn cốt truyện được viết ra. Có thể đây là những sơ suất trong cách cấu trúc cốt truyện. Nhưng mặt khác cũng phải nhìn nhận là tác giả đã không lạm dụng thời gian gần gũi với vua Hàm Nghi để lấy một cái tựa đề khác bao la hơn, mặc dầu cụ Hải Âu là một trong những nhân chứng về giai đoạn cuối cùng của vua Hàm Nghi.

Vì đây là truyện ký chứ không phải môt cuốn sử nên khó tranh luận về thực hay hư. Chẳng hạn, theo tác giả thì vua Hàm Nghi khẳng định là đã tự mình từ bỏ ngai vàng để cùng Tôn Thất Thuyết đi tìm đường chống lại thực dân Pháp chứ không bị ép buộc bởi ai cả. Dù thế cũng phải nhìn nhận là đối với một thiếu niên 13-14 tuổi như vua Hàm Nghi khi lên ngôi, thì chắc có nhiều chuyện ám ảnh trong đầu hơn là chuyện tình nguyện cứu nước, dẫu thiếu niên đó là vua. Khi người ta biết rằng vai trò và thế lực của Tôn Thất Thuyết trong Nam Triều từ đời Tự Đức thì hỏi làm sao một thiếu niên có thể chống cự nổi, đó là chưa nói đến những tình tiết, mưu đồ, chia rẽ trong chính triều đình. Dù sao đi nữa thì vua Hàm Nghi đã là một huyền thoại, mà khi đã là huyền thoại rồi thì người ta chỉ có thể thêu dệt thêm chứ không thể nào hủy bỏ được những huyền thoại.

Sommaire de la rubrique
Haut de page