Comptes rendus de lecture

Comptes rendus de lecture




Jean-Marie Pelt
Les plantes en péril
Paris, Fayard, 1997, 255 p.

RFI, section vietnamienne, 7 nov. 1997



Thực vật và môi trường sống


Có thể nói thực vật là nguồn nhiên liệu đầu tiên mà loài người đã khai thác nhưng người ta chưa khám phá ra hết những bí ẩn của thực vật đó là chưa nói đến những công dụng khác. Ngày xưa người ta dựa vào thiên nhiên để sống thì bây giờ người ta đang chống lại thiên nhiên. Hay nói khác hơn thì người ta đang phá huỷ môi trường cần thiết cho sự sống.

Đây là một vài ý chính trong cuốn sách mới nhất của nhà sinh vật học chuyên về thực vật Jean-Marie Pelt mang tựa đề Les plantes en péril - tạm dịch là "Những loài cây bị đe doạ" do nhà xuất bản Fayard vừa cho ra mắt với độc giả đầu năm nay. Cuốn sách này cũng còn là kết quả của chuyến công du của tác giả vòng quanh các hòn đảo như Sainte Hélène, Seychelles, Madagascar, Réunion, Nouvelles Calédonie và Bornéo. Theo tác giả nhận xét thì ở hải đảo các loài thực vật bị tiêu huỷ nhanh hơn ở đất liền. Và sự tàn phá này đi đôi với phát triển nếu không nói là do chính phát triển gây ra như kỹ nghệ hoá, kỹ nghệ hóa nông nghiệp, đô thị hoá, xây đập thuỷ lực, phá rừng, độc canh quá mức trong sự trồng cây lương thực và khôi phục rừng, thuốc trừ sâu bọ, v.v. Theo các chuyên gia dự tính năm 1985 thì 60.000 trên 250.000 loại cây sẽ không còn tồn tại nữa vào năm 2050 nếu đà phá huỷ hiện thời cứ tiếp tục.

Ông Jean-Marie Pelt là người đã từng tranh đấu và vẫn tranh đấu cho môi trường và sinh thái còn nhận xét rằng người ta dửng dưng trước sự mất giống của các thực vật cũng như người ta dửng dưng nhìn của các dân tộc thiểu số đang tan biến dần ở Châu Mỹ, ở Châu Á hay ở những nơi khác. Ở Châu Phi chỉ vì mục đích khai thác kinh tế người ta đã làm tê liệt cả châu đó. Mỗi một loài cây bị mất giống là một thiệt hại cho thực vật cũng như một dân tộc bị diệt chủng sẽ biến dần xã hội loài người từ đa dạng và phong phú về truyền thống, văn hóa, nhân sinh quan trở thành nghèo nàn và đơn điệu. Chúng ta hãy tưởng tượng một ngày nào đó trên khắp hoàn cầu người ta chỉ uống một thứ giải khát là Cocacola chứ không còn ai biết thưởng thức một cốc nước mía hay mộc cốc nước cam nữa, hoặc chỉ còn một loài cây là cây bạch đàn mà ở Việt Nam người ta đang trồng để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy giấy của Nhật Bản chứ không còn luỹ tre xanh; đó là chưa nói đến hậu quả của sự khai thác bạch đàn. Chính vì tính đa dạng và phong phú của loài người mà người ta cần phải bảo vệ và giúp đỡ các dân tộc thiểu số thiếu điều kiện để đối phó với trào lưu chung, cũng như người cần phải bảo vệ các loài cây đang có nguy cơ bị diệt chủng. Đó là phận sự chung của mọi người để được tồn tại và trao lại cho những thế hệ sau một môi trường lành mạnh và phong phú.

Ngoài ra cuốn sách của ông Jean-Marie Pelt còn mang lại nhiều thích thú và khám phá cho người đọc. Chẳng hạn, riêng ở đảo Madagascar, nơi có thể nói là có nhiều loài cây lạ nhất thế giới và không ở đâu có, mỗi một bước đi người ta gặp được những loài cây mà có thể nói là tuyệt đỉnh của tạo hóa. Từ 80 đến 85 % các loài thực vật ở Madagascar là đặc hữu, tức là không ở đâu có. Một thí dụ khác : trên 12.000 loài lan mọc ở đây thì 950 loài là đặc hữu. Ở Madagascar không có loài cóc nào cũng như không có khỉ, không có rắn độc, không có sử tử, không có báo. Ngược lại thì cách đây vài thế kỷ còn có một loài chim khổng lồ cao đến 3 thước và nặng đến 450 kí lô. Về thực vật, hiện còn tồn tại một loài baobắp mà thân cây có thể chứa đến 10.000 lít nước. Những năm hạn hán người dân chặt cây baobắp để lấy nước nuôi thú vật. Madagascar cũng như các nước nghèo hoặc đang phát triển có nguy cơ là giới thực vật sẽ bị tiêu huỷ vì những họat động khác của loài người.

Đây cũng là tiếng còi báo động để ngưng sự phá huỷ này. Nếu không biết bảo tồn tài sản vô giá này thì một ngày không xa con người sẽ trở thành nạn nhân của chính mình. Chúng ta có cần phải nhìn thấy sự phát triển vô trách nhiệm đưa đến hậu quả như nạn cháy rừng ở Indonésia đang đe doạ cả vùng Thái Bình Dương để thức tỉnh hay không ? Chúng ta muốn để lại trái đất này cho các thế hệ sau trong trạng thái nào ? Đó là các câu hỏi cần phải được giải đáp bằng lý trí, trách nhiệm và tình người.

Sommaire de la rubrique
Haut de page